Bệnh VNNB được phát hiện từ năm 1871, đến năm 1935 mới được phân lập phát hiện virus gây bệnh từ người bệnh ở Tokyo (Nhật Bản). Sau đó, bệnh lây lan, tạo thành dịch ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, vào những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tỷ lệ mắc VNNB khá cao (7/100.000 dân). VNNB là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính, xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi. Nhóm có nguy cơ cao nhất là từ 2 – 6 tuổi (chiếm 75%), trên lâm sàng có biểu hiện nhiễm trùng & rối loạn thần kinh. Đáng ngại nhất là bệnh thường để lại di chứng (điếc, mù, động kinh, liệt tay, chân…) và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh VNNB lây truyền từ súc vật (lợn,…) sang người qua trung gian là các loại muỗi (Culex) đốt. Bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9, đỉnh cao là tháng 6, 7. Tất cả các trẻ ở các lứa tuổi chưa có kháng thể miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
1. Triệu chứng
Thời kỳ ủ bệnh ở trẻ từ 1 – 6 ngày (ngắn nhất là 24h, có khi tới 14 ngày). Trẻ thường có biểu hiện: sốt, đau đầu, buồn nôn & nôn. Sau đó sốt cao, co giật, co cứng cơ & lú lẫn. Tiếp sau đó ở trẻ có dấu hiệu ở màng não, não (cứng gáy), rối loạn vận động như co cứng cơ, co vặn, co giật, run, liệt nửa người. Nhiệt độ cơ thể giao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, nhịp tim nhanh, bí đại tiểu tiện & ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức, ngủ gà đến hôn mê sâu. Trường hợp nặng tiến đến tử vong thường sốt trên 40oC, kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Tử vong thường xảy ra ở ngày thứ 3 tới ngày thứ 8 của giai đoạn cấp. Với các trẻ sống sót thường để lại các di chứng tâm thần.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, hồi sức tích cực, phục hồi chức năng & nâng cao thể trạng.
2. Cách phòng bệnh VNNB
- Vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ, di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Nằm ngủ phải có màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc. Sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình.
- Tiêm vacxin VNNB đầy đủ & đúng lịch là biện pháp quan trọng & hiệu quả nhất giúp cho bé không bị mắc bệnh VNNB.
3. Dinh dưỡng tăng cường miễn dịch, phòng dịch VNNB
Bên cạnh các biện pháp phòng tránh thông thường, các mẹ cần chú ý tới chế độ ăn của bé sao cho vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu dinh dưỡng và miễn dịch kém là yếu tố nguy cơ bị dịch bệnh tấn công. Dưới đây là danh sách các dưỡng chất nên tăng cường bổ sung cho con trong thời điểm này:
* Các loại vitamin
Các loại vitamin A, C, E, D đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
Vitamin A: đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tế bào da, đường tiêu hóa và tế bào biểu mô phổi, tạo thành “hàng rào” chính bảo vệ trẻ khỏi các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm: cà rốt, cải xoăn, súp lơ xanh, bí, quả mơ, cá và khoai lang.
Vitamin C: tìm thấy trong dâu tây, cam, chanh, bưởi, ….giúp tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể gồm interferon kháng thể. Interferon bao phủ lên bề mặt tế bào giúp hạn chế sự xâm nhập của vi rút.
Vitamin D: có trong lòng đỏ trứng, dầu cá và các thực phẩm bổ sung vitamin D. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về nồng độ an toàn được khuyến khích cho con bạn.
Vitamin E: kích thích sự sản sinh các tế bào diệt vi khuẩn tự nhiên và tế bào B giúp sản sinh kháng thể chống lại vi khuẩn. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc.
* Khoáng chất và axit béo Omega-3
Kẽm: Kẽm rất quan trọng cho sự phát triển các tế bào bạch cầu giúp nhận biết và tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập. Có thể bổ sung kẽm thông qua các loại thực phẩm gồm: thịt bò, hàu, thịt lợn, gia cầm, sữa chua, hoặc sữa.
Selen: Selen có nhiều trong những động vật có vỏ như hàu, tôm hùm, cua và sò, giúp các tế bào bạch cầu sản xuất các cytokine-protein giúp loại bỏ vi rút gây bệnh như vi rút cúm ra khỏi cơ thể.
Sắt: Cũng giống như kẽm, thiếu sắt có thể dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm bệnh. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, đậu phụ, ngũ cốc, đậu lăng.
Axít béo omega-3: được tìm thấy trong dầu lanh và cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu) giúp tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về sử dụng acid béo omega-3 trong chế độ ăn cho bé.
* Probiotic
Probiotic được tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa như sữa chua, là loại vi khuẩn lành mạnh giúp loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh ra khỏi đường ruột. Bổ sung probitic giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
BS. Hoàng Ngọc Anh
-------
Phòng khám dinh dưỡng chất lượng cao
Địa chỉ: Tầng 1, Tòa 5 tầng, Số 70 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội
Hotline: 0969 59 59 38
Email: phongkhamdinhduonghanoi@gmail.com
Website: htkhám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao
Địa chỉ: http://phongkhamdinhduong.vn