Để có những đứa con khỏe mạnh, thông minh, xinh xắn đáng yêu các mẹ bầu cần trang bị kiến thức về dinh dưỡng trong thời kỳ thai nghén để giúp con phát triển tốt, mẹ khỏe mạnh để nuôi con khôn lớn, “vượt cạn” an toàn, và sẽ cùng con trên suốt chặng đường đời. Các mẹ bầu tham khảo bài viết sau đây:
Mẹ ăn gì con ăn nấy, điều đó cho thấy dinh dưỡng của bé trong bụng mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào dinh dưỡng của người mẹ. Khi có thai mẹ cần ăn uống nhiều hơn bình thường cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết. Sự thiếu hụt dinh dưỡng thường dẫn đến trẻ chậm phát triển trong tử cung, trẻ thấp cân (< 2.500g) và cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm độc thai nghén, thai chết lưu.
Ngoài chế độ ăn thông thường để đảm bảo năng lượng 2.200Kcal/ngày, phụ nữ mang thai cần tăng thêm năng lượng phụ thuộc vào tháng thai: 6 tháng đầu cần tăng thêm 350Kcal/ngày, 3 tháng cuối cần tăng thêm 475 Kcal/ngày. Đặc biệt tăng đạm 15 - 18g/ngày (bình thường 75g/ngày). Vitamin A tăng 300mcg/ngày (bình thường 500 mcg/ngày). Acid folic tăng 200 mcg/ngày (bình thường 400 mcg/ngày). Sắt tăng 20mg/ngày (bình thường 39,2mg/ngày). Canxi tăng 200mg/ngày (bình thường 1.000mg/ngày).
Protein có vai trò thúc đẩy phát triển rau thai, thai nhi và các mô trong cơ thể mẹ (tử cung, vú…), đặc biệt lúc thai 18 tuần là giai đoạn tăng trưởng liên quan đến tế bào não. Protein chiếm 12 - 14% năng lượng/ngày, đạm động vật (thịt, trứng, cá, tôm, cua, sữa) chiếm 2/3, đạm thực vật chiếm 1/3 (các loại đậu: đậu phụ, đậu đỗ…) để cung cấp đầy đủ acid amin cần thiết cho cơ thể mẹ và thai nhi. Thịt, trứng, cá, tôm, cua các loại cần 200 - 250 g/ngày.
Lipid là nguồn cung cấp năng lượng cao, là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K). Bao gồm acid béo no và acid béo không no chiếm 20 - 25% tổng năng lượng/ngày. Acid béo không no đa nối đôi như acid alpha linolenic (omega-3), tiền tố của DHA, DHA cần thiết cho sự phát triển của tế bào não, võng mạc và mạch máu của thai nhi, có nhiều trong cá thu, cá hồi, cá trích…. . Acid linoleic (omega-6), tiền tố của AA, AA giúp cho các bộ phận của thai nhi phát triển bình thường, có nhiều trong các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu ngô, dầu hướng dương). Các bà mẹ nên ăn 100 g cá/bữa, 2 - 3 lần/tuần và 20 g dầu/ ngày.
Glucid là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong khẩu phần, chiếm 60 - 65% tổng năng lượng, bao gồm chất bột đường, chất xơ (gạo, ngô, khoai, rau quả). Chất xơ cần 20 - 22g/ngày.
Vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ, thúc đẩy phát triển thai nhi, tăng cường miễn dịch cho mẹ và bé. Có nhiều trong thực phẩm nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…), thực vật (đậu đỗ, ngũ cốc, rau, quả). Chế độ ăn thiếu vitamin và khoáng chất trong thời kỳ mang thai sẽ liên quan đến một số bệnh của mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Thiếu vitamin A mẹ dễ bị quáng gà, trẻ thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Thiếu acid folic gây tổn thương não thai nhi, dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống. Thiếu vitamin D, canxi làm chậm quá trình phát triển xương của thai nhi, còi xương sớm từ trong bào thai, co giật do thiếu canxi… Thiếu iốt có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ sinh ra đần độn. Thiếu kẽm ảnh đến phát triển chiều cao từ trong bào thai. Thiếu sắt gây thiếu máu nhất là 3 tháng cuối.. Thiếu máu nặng gây sẩy thai, đẻ non và sau sinh trẻ bị thiếu máu, tăng nguy cơ tử vong mẹ và con. Vì vậy bà mẹ cần uống thêm 1 viên sắt/ngày (60mg sắt nguyên tố + 400 mcg acid folic) trong suốt thời gian mang thai và kéo dài sau đẻ 1 tháng. Ngoài ra, phải đảm bảo đủ nước 2,5 l /ngày (kể cả nước uống và nước trong chế độ ăn.
Do ảnh hưởng của hormone, nhu động ruột giảm nên bà mẹ có thai dễ bị táo bón, cần uống đủ nước và ăn thêm thực phẩm giàu chất xơ (rau, quả tươi…).
Hạn chế sử dụng đường tinh chế, đường từ nước ngọt dễ gây béo phì và nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
Do ảnh hưởng của hormone, mẹ cũng có thể khó ngủ cần nghỉ ngơi thư giãn hợp lý, tránh lo lắng, buồn phiền, cáu giận. Không nên ăn, uống các thực phẩm có chất kích thích, cay nóng. Nên ăn uống những thực phẩm có tính chất an thần, mát, bổ dưỡng (cháo hạt sen…) Kết hợp với mát xa vùng đầu mặt, ấn nhẹ những điểm huyệt an thần trên cơ thể sẽ giúp các mẹ thoải mái hơn để dần dần vào giấc ngủ, tuyệt đối không được sử dụng thuốc an thần để ngủ nếu không có chỉ định của bác sỹ.
Cần thiết phải bổ sung vi chất cho các mẹ bầu, song bổ sung như thế nào là phù hợp để tốt cho cả mẹ và bé, các mẹ cần được tư vấn và theo chỉ định của bác sỹ sản khoa, bác sỹ dinh dưỡng.
BS. Hoàng Ngọc Anh
-------
Phòng khám dinh dưỡng chất lượng cao
Địa chỉ: 2C Nguyễn Viết Xuân - Quang Trung - Hà Đông ( 70 Nguyễn Chí Thanh chuyển về )
Hotline: 0969 59 59 38
Email: phongkhamdinhduonghanoi@gmail.com
Website: htkhám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao
Địa chỉ: http://phongkhamdinhduong.vn