Đất nước của chúng ta có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi ngon, thuận lợi cho việc chế biến món ăn cho bé mỗi ngày, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, tập quán, địa phương, dân tộc. Các gia đình không cần phải mua những loại bột đóng hộp sẵn, bởi bé tập ăn còn rất ít, cần cho bé thử dần và được thưởng thức đa dạng thực phẩm, tươi ngon theo mùa. Trong trường hợp phải di chuyển hoặc đi du lịch xa thì các mẹ có thể tạm mua một, hai hộp bột ăn dặm sẵn tùy thuộc tháng tuổi, thời gian di chuyển, mang theo đi đường phòng có sự cố tàu, xe, máy bay… mà mình chưa sẵn sàng chuẩn bị mà thôi, chuẩn bị đầy đủ sữa mà bé vẫn thường dùng là rất cần thiết.
- Tròn 6 tháng, trẻ bắt đầu tập ăn dăm, các mẹ sẽ từng bước thực hiện như sau (theo nguyên tắc tăng dần độ đặc của bột, bắt đầu là bột loãng đến bột sệt, đến bột đặc):
+ Tuần 1: bột loãng (bột 5%)
+ Tuần 2: Bột sệt (bột 10%)
+ Tuần 3, 4 trở đi: Bột đặc (bột 20%)
* Bột loãng:
- Tuần thứ 1:
Ninh xương lợn và cà rốt (hoặc rau củ).
Xương sống lợn: 100g chặt nhỏ ninh nhừ cùng 50g cà rốt (hoặc rau củ).
Bột gạo ngon: 5g (chỉ bột gạo, không thêm bất cứ loại đậu hay ngũ cốc, thực phẩm gì lẫn vào).
+ Trong 1- 3 ngày đầu của tuần 1: 100ml nước (xương và cà rốt) để nguội + 5g bột gạo quấy cho tan hết vón, sau bắc lên bếp vặn vừa lửa quấy đều tay cho đến khi bột sôi đều, chuyển nhỏ lửa, thỉnh thoảng quấy cho đến khi bột chín nhuyễn, thơm là được, đổ ra đĩa cho nguội bớt ở nhiệt độ 40 – 50 độ C là có thể cho bé ăn.
+ Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6,7 của tuần 1: 100ml nước xương đã ninh với rau củ + 1 thìa rau củ (củ đã ninh trong xương) xay (hoặc miết thật nhỏ) + 5 g bột. Quấy bột và nước như trên, khi gần bắc ra thì cho thìa rau củ đã xay nhuyễn vào sôi 3 – 5 phút nữa rồi bắc ra, đổ ra đĩa để nguội ở nhiệt độ vừa cho bé ăn như trên.
* Bột sệt:
- Tuần thứ 2: Không cần phải ninh xương, chỉ cần nước trắng sạch, thực phẩm tươi (các loại thịt, rau củ, rau xanh), quấy với bột, thêm dầu, mỡ.
+ Ngày 1, 2 của tuần 2: 100ml nước lã sạch + 10g bột + 1/2 thìa thịt thăn bò (đã xay nhuyễn) + 1 thìa rau củ hoặc rau xanh các loại (đã xay nhuyễn) + 1/2 thìa dầu, sử dụng thìa 5g. Cho thịt vào trong nước lạnh quấy cho tan đều, vớt hết những gân, sợi nếu có thì bỏ đi, tiếp theo cho 10g bột gạo vào nước vừa hòa thịt quấy cho tan khỏi vón, tiếp theo cho lên bếp vừa lửa quấy đều tay cho đến khi thịt, bột chín quyện đều, sánh, đậy vung, hãm nhỏ lửa, thỉnh thoảng mở ra quấy khỏi cháy, khoảng 10 phút bột chín, thơm hoàn toàn thì cho rau vào quấy đều và sôi khoảng 5 phút, bắc ra cho 1/2 thìa dầu vào, quấy đều tay, đổ ra đĩa, chờ nguội ở nhiệt độ đảm bảo cho bé ăn.
+ Ngày thứ 3, 4 của tuần 2: số lượng nước, bột, rau, dầu không thay đổi, nhưng tăng thịt bò lên 1 thìa. Cách làm như trên.
+ Ngày thứ 5,6,7 của tuần 2: số lượng nước, bột, rau, dầu không thay đổi, nhưng tăng thịt bò lên 1,5 thìa. Cách làm như trên
* Bột đặc:
- Tuần thứ 3: Nước 100ml + thịt các loại (lần lượt là bò, lợn, gà) + bột 20g + rau 2 thìa + dầu ăn 1 thìa. Cách làm như trên.
- Tuần 4 trở đi: Nước 100ml + thịt, trứng (lòng đỏ 1/3 quả), cá, tôm, cua + bột 20g + rau 2 – 3 thìa + dầu ăn 1 – 1,5 thìa. Cách làm như trên.
* Chú ý:
- Các loại thực phẩm (thịt, trứng, cá, tôm, cua, rau…) loại nào mới ăn bữa đầu cũng cho bé ít và tăng dần lên để thăm dò xem bé có dị ứng hay không, đặc biệt ở những bé hay dị ứng hoặc gia đình có tiền sử dị ứng
- Tháng thứ 7: 01 bữa/ngày. Thời gian thích hợp: lúc 9h sáng. Số lượng: 60 - 80 ml/bữa (khi đã ăn đến bột đặc thì thành phần trong mỗi bữa nên có đủ 4 nhóm thực phẩm tươi: thịt (các loại hoặc trứng, cá, tôm, cua): 25g. Dầu, mỡ: 5 - 8g/bữa. Rau 2 thìa cà phê, không ép bé ăn quá nhiều.
- Tháng thứ 8: Phải đảm bảo cho bé 2 bữa bột/ngày. Thời gian thích hợp: 9h và 14 – 15h. Số lượng: 80 – 100ml/bữa (trong đó đầy đủ bốn nhóm thực phẩm: thịt (các loại hoặc trứng, cá, tôm, cua: 25g. Dầu, mỡ: 5 – 10g/bữa. Rau 2 thìa cà phê).
- Tháng thứ 9 trở đi: Phải đảm bảo cho bé 3 bữa cháo/ngày. Giờ ăn phù hợp: 8giờ ; 11-12giờ; 18 giờ. Số lượng: tăng dần theo tháng (trong đó đầy đủ các loại đạm từ thịt, trứng, cá, tôm, cua: 25g/bữa. Dầu, mỡ: 5 - 10g/bữa. Rau: 3 thìa cà phê/bữa), có thể bắt đầu cho vào cháo một giọt nước mắm đầu tiên nếu thấy cần thiết, nếu không thì chờ khi bé được tròn tuổi hãy cho 1-2 giọt/bữa . Tập cho bé ăn cháo từ cháo sệt đến cháo đặc đến cháo nguyên hạt, và tăng dần độ thô.
- Ngoài ra các mẹ có thể gia giảm thực phẩm cho phù hợp với hệ tiêu hóa của bé, ví dụ: Bé táo bón cần cho thêm rau nhuận tràng (mồng tơi, rau lang, rau đay…), bé đi ngoài quá nhiều lần hoặc phân lỏng thì cần giảm rau hơn bình thường đặc biệt là các loại rau nhuận tràng, hoặc chuyển sang rau dạng củ, giảm dầu, mỡ…
Giai đoạn này nếu bé không thích thú ăn theo món ăn truyền thống thì các mẹ cần thay đổi phương pháp ăn, cách chế biến món ăn đa dạng, phù hợp sở thích, khẩu vị của bé, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: Đạm, lipid, bột đường, vitamin và khoáng chất. Các mẹ cần tham khảo phương pháp ăn dặm “BLW” của Châu Âu và phải thật kiên trì để giúp con vui vẻ, thoải mái, hào hứng với bữa ăn, điều này cũng giúp con chuyển hóa tốt hơn, tránh stress cho bé và mệt mỏi cho người chăm, bé sẽ thông minh và tự chủ hơn trong cuộc sống.
* Một số nguyên tắc:
Phải đảm bảo đủ sữa theo tháng tuổi, vì năm đầu đời của bé sữa vẫn là chính, sữa mẹ là tốt nhất.
Không ép bé ăn quá nhiều bột, cháo. Cần ăn vừa đủ số lượng phù hợp, tăng dần theo tháng tuổi (số bữa, số lượng). Cũng đừng thấy bé ăn ngon (bất kể món gì) mà người lớn cứ cho bé quá liều bé sẽ đầy bụng khó tiêu và dễ bỏ sữa, thậm chí lần sau bé sẽ sợ ăn, lười ăn, thậm chí ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
Ăn khi bé thích, nếu mỗi bữa bé ăn quá ít mẹ nên tăng thêm số bữa/ngày, đừng bằng mọi cách để ép bé ăn tăng số lượng cho một lần, đừng kéo dài thời gian cho mỗi bữa, chỉ nên 20 – 30 phút/ bữa.
Ngồi ăn một chỗ, nên có bàn, ghế cho bé ngồi, bé rất thích được ngồi bàn ăn cùng người lớn, hãy nên làm như vậy. Luôn tạo cho bé không khí đầm ấm vui vẻ trong bữa ăn. Dù có bị bôi bẩn nhem nhuốc lúc ăn cũng vẫn phải tập dần cho bé từ bốc thức ăn đến cầm thìa, dĩa xúc ăn.
Khi bắt đầu ăn dặm là khi cần cho bé tập ăn quả tươi các loại để bổ sung vitamin: khởi đầu là một loại , sau đó sẽ nhiều loại quả tươi xay hỗn hợp, tăng dần theo tháng tuổi, nên uống sau ăn một giờ hoặc giữa 2 bữa ăn, hoặc sau khi đi tắm nắng về.
Tập dần cho bé thưởng thức các món ăn tốt của người lớn.
BSCKII. Mai Thị Lệ Tịch, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội - 70 Nguyễn Chí Thanh