I. Các biểu hiện viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
1. Sốt
Sốt là biểu hiện đầu tiên của viêm đường hô hấp trên. Trẻ thường sốt cao thành cơn, thân nhiệt từ 39 độ C trở lên.
2. Sổ mũi, chảy nước mũi
Trẻ bị chảy dịch mũi, chảy nhiều dịch mũi trong, loãng, không có mủ và không có mùi. Trong dịch mũi chứa nhiều mầm bệnh, khi dịch mũi chảy ngược vào trong cơ thể lan ra các bộ phận khác chính là nguyên nhân khiến bệnh viêm đường hô hấp trên chuyển sang đường hô hấp dưới.
3. Ho
Ho là một biểu hiện có lợi. Ho báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm đường hô hấp trên ở trẻ. Triệu chứng ho về bản chất là để tống khứ vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Tuy vậy, các mẹ cần theo dõi sát triệu chứng này. Ho kéo dài sẽ làm trẻ mệt mỏi, nôn trớ và chán ăn.
4. Khó thở
Thường là triệu chứng khi trẻ bị viêm đường hô hấp dưới, trong trường hợp trẻ bị viêm thanh quản. Đây là một biểu hiện nguy hiểm, trẻ hít mạnh và thở ra khò khè.
* Hệ hô hấp được tính từ mũi xuống đến phổi. Viêm đường hô hấp trên là bệnh bao gồm mũi, họng, xoang và thanh quản. Chữa bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em gồm điều trị các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, khó thở,… Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.Vì vậy, nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng là giải pháp phòng bệnh tối ưu nhất.
II. Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên
1. Đưa trẻ đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ
2. Không cho trẻ ăn kiêng
Trẻ mắc bệnh phải được bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ. Trẻ mắc bệnh thường chán ăn, khó ăn,… các mẹ phải khéo léo chia nhỏ thành nhiều bữa ăn để trẻ vẫn nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
3. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để bổ sung chất xơ và vitamin
4. Chữa triệu chứng sốt
- Mẹ cần chườm ấm cho bé: Dùng khăn nhúng vào nước bằng nhiệt độ cơ thể trẻ (37 – 40 độ C), vắt bớt nước rồi đắp vào vùng bẹn, nách, cổ (những vùng nhiều nếp gấp ra) sẽ giúp lỗ chân lông mở, thoát nhiệt nhanh. Cần thay khăn liên tục, hết ấm lại thay để khăn không bị lạnh, không làm trẻ có cảm giác rét run do nước lạnh ngấm vào người.
- Cho trẻ uống đủ nước (tốt nhất là oresol) sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.
- Dùng thuốc hạ sốt: trong trường hợp trẻ sốt cao quá hoặc sau 2 ngày không thuyên giảm, mẹ có thể dùng những thuốc hạ sốt như: panadol, biwadol, efferalgan, tylenol,…
5. Chữa sổ mũi
Mẹ dùng nước muối chuyên dụng để nhỏ mũi, làm sạch mũi cho bé, nên làm như vậy trước khi cho bé bú, ăn.
6. Chữa triệu chứng ho
Mẹ nên tìm hiểu các phương pháp chữa ho (hỏi ý kiến bác sỹ) và tham khảo cách chữa ho bằng mật ong…
* Khi bé bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó thở, thở khò khè trong quá trình chữa bệnh viêm đường hô hấp trên, các mẹ cần đưa bé nhập viện ngay để được bác sỹ tư vấn về hướng điều trị tiếp.
BS. Hoàng Ngọc Anh,Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao - 70 Nguyễn Chí Thanh