Ngày nay, trên thế giới cũng như ở nước ta đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là thiếu dinh dưỡng (undernutrition) và thừa dinh dưỡng (overnutrition). Theo Tổ chức y tế Thế giới, béo phì đang là một vấn đề sức khoẻ lớn trên toàn cầu. Đến năm 2025, béo phì trên thế giới sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn là suy dinh dưỡng, hiện nay đã có trên 300 triệu người bị béo phì, hơn một triệu người bị thừa cân. Ở Mỹ (1999) có 61% người lớn có thừa cân hoặc béo phì, thanh niên là 14% và trẻ em là 13%.
Ở Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh Dưỡng quốc gia năm 2010, trẻ dưới 5 tuổi có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân (cân nặng/tuổi) là 17.5%, SDD thấp còi (chiều cao/ tuổi) là 29.3%. Tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5.6%, thậm chí ở vùng thành thị là 6.5%. Trẻ từ 5 đến 19 tuổi: thừa cân và béo phì chung là 8.5%; béo phì là 2.5%.
I. NGUYÊN NHÂN CỦA THỪA CÂN - BÉO PHÌ
1. Chế độ ăn uống
Ăn dư thừa năng lượng trong thời gian dài, chế độ ăn có quá nhiều tinh bột, đường, chất béo, ít rau quả, thường làm tăng cân nhanh. Uống nhiều đồ ngọt kèm với các bữa ăn cũng sẽ làm tăng thêm năng lượng cho khẩu phần.
2. Hoạt động thể lực
Lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực dễ dư thừa năng lượng. Ngày nay, với thời đại công nghiệp hoá thì máy móc đã thay thế dần cho những lao động thể lực, người ta ít phải tiêu hao năng lượng hơn, đi lại bằng xe máy, ô tô, làm việc bằng máy tính, nói chuyện qua điện thoại, xem tivi nhiều… Tất cả những điều kiện như vậy đều làm tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì.
3. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với thừa cân và béo phì. Những trẻ béo thường có cha mẹ béo. Nhưng trong nghiên cứu 1698 người và 409 gia đình của Quebec Families cho thấy có sự khác nhau qua các thế hệ đối với BMI là 35% và ảnh hưởng của di truyền chỉ là 5%. Béo phì cao nhất ở anh em sinh đôi, trung bình ở các thành viên trong một gia đình và thấp nhất ở những thành viên là con nuôi.
Béo phì là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là bệnh lý của một gen đơn lẻ nào đó. Nhiều báo cáo đã chứng minh rằng béo phì là bệnh lý của một gen đơn lẻ, biểu hiện của nó có thể bị thay đổi bởi sự tác động qua lại bên trong của nhiều gen khác và với những yếu tố môi trường như là: sự lựa chọn thức ăn, hoạt động thể lực và hút thuốc.
4. Yếu tố kinh tế xã hội
Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người béo phì ở tầng lớp nghèo thường thấp do thiếu ăn, lao động chân tay nhiều, phương tiện đi lại khó khăn. Ở các nước đã phát triển, tỷ lệ thiếu ăn rất ít thì béo phì lại thường gặp ở tầng lớp nghèo, ít học so với ở các tầng lớp trên. Ở các nước phát triển, béo phì bị coi là kém thông minh, chậm chạp và thiếu sự kiềm chế.
II. ĐIỀU TRỊ THỪA CÂN - BÉO PHÌ
1. Thay đổi cách sống
Cách giảm cân thành công nhất là kết hợp giữa chế độ ăn và luyện tập thể dục. Những yếu tố thay đổi chính là cân bằng năng lượng, đó là năng lượng đưa vào từ chế độ ăn và tiêu hao năng lượng do hoạt động thể lực. Hiệu quả nhất để giảm cân là giảm năng lượng ăn vào và tăng năng lượng tiêu hao.
2. Điều chỉnh chế độ ăn
Uỷ ban Dinh dưỡng của Hội tim mạch Mỹ khuyên nên dùng chế độ ăn có protein cao, tuy nhiên người ta nhận thấy rằng protein đưa vào quá nhiều sẽ gây ra nhiều nguy cơ xấu cho sức khoẻ; do vậy, hiện nay cũng không được khuyên dùng.
· Chế độ ăn nên có mức năng lượng thấp tùy theo mức độ thừa cân - béo phì (1500 -1800kcal/ngày); càng thừa cân nhiều càng phải giảm nhiều.
· Protein: nên ăn vừa phải (từ 15 - 25% năng lượng khẩu phần).
· Lipid: càng thấp càng có hiệu quả giảm cân, nhưng cũng không nên giảm quá nhiều mà nên ở mức 15 - 20% năng lượng khẩu phần. Không nên ăn các phủ tạng vì có nhiều cholesterol như: thận (5000mg cholesterol), óc (2500mg), tim (2100mg), gan (320mg).
· Glucid: nên sử dụng những glucid có nhiều chất xơ, xay xát vừa phải,không nên xay xát kỹ như: gạo, mỳ ngô, nên dùng ở dạng thô, không nên dùng ở dạng bột. Nhóm khoai củ như: khoai lang, khoai tây, sắn... cũng là nguồn năng lượng thấp nhưng lại cung cấp protein cũng rất thấp chỉ từ 0,6 - 1,7%.
· Vitamin và khoáng chất: người thừa cân và béo phì nên ăn nhiều rau, quả, vì rau quả vừa có nhiều vitamin và khoáng chất, vừa có nhiều chất xơ làm chậm tốc độ hấp thu glucid.
· Muối ăn: nên sử dụng vừa phải, dưới 6g/ngày.
· Đường, mứt, bánh kẹo ngọt nên tránh.
· Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia.
3. Hoạt động thể lực
Hoạt động thể lực bao gồm những hoạt động hàng ngày, các công việc liên quan tới hoạt động thể lực và luyện tập thể dục thể thao.
· Các hình thức thể dục thể thao: tùy điều kiện và sở thích của mỗi người mà chọn hình thức luyện tập như đi bộ nhanh, tập thể dục, bơi lội, đạp xe đạp... trung bình 20 - 30 phút/ngày và 4 - 5 lần/tuần. Nếu tập luyện được hàng ngày thì càng tốt.
· Thay đổi lối sống: nên năng động hơn, giảm thời gian ngồi tĩnh tại, tăng các công việc và các hoạt động có tiêu hao năng lượng.
Có rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm đã được công bố cho thấy: luyện tập thể dục và hoạt động thể lực có tác dụng làm giảm lượng mỡ tự do, giảm trọng lượng cơ thể, giảm huyết áp, giảm cholesterol và triglycerid máu cũng như tăng độ nhạy cảm của insulin.
4. Điều trị bằng thuốc
Hiện nay chỉ có một vài loại thuốc dùng để điều trị béo phì nhưng có nhiều tác dụng phụ và giá thành cao như: orlistat, sibutramin.
Orlistat là một chất ức chế lipase, hoạt động trong hệ thống tiêu hoá và nó làm giảm hấp thu 30% chất béo của chế độ ăn. Liều chuẩn 120mg, 3 lần/ngày; uống trong 3 bữa ăn chính, có thể giảm được 10% trọng lượng cơ thể hoặc hơn.
Sibutramin là một chất gây giảm hấp thu các chất dinh dưỡng của thức ăn đưa vào, do vậy cũng làm giảm cân.
5. Phẫu thuật
Phẫu thuật chủ yếu dành cho những người béo phì nặng, béo phì bệnh lý. Mục đích của phẫu thuật là làm giảm thể tích của dạ dày - ruột để bệnh nhân ăn được ít hơn, giảm lượng calo đưa vào và làm giảm cân.