Viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi là những bệnh lý của đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Chăm sóc, theo dõi, điều trị khi bé bị bệnh là công việc các bậc cha mẹ phải hết sức quan tâm giúp cho trẻ phát triển toàn diện.
I. Bệnh viêm đường hô hấp
Là bệnh do vi trùng hoặc siêu vi trùng gây ra. Biểu hiện của bệnh là sốt, sổ mũi, ho, đau họng, khó thở, nôn,… Trẻ có thể có 1 triệu chứng hoặc có cùng 1 lúc nhiều triệu chứng. Nếu bệnh do siêu vi gây ra thì chỉ điều trị triệu chứng trong vòng 3 – 5 ngày bệnh sẽ tự khỏi. Khi tác nhân gây bệnh là vi trùng, bác sỹ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị cho bé. Tùy theo tình trạng bênh, thời gian sử dụng kháng sinh từ 5 – 14 ngày. Các mẹ cần tuân thủ đúng y lệnh của bác sỹ để tránh tình trạng kháng thuốc nhanh chóng và bệnh tái phát lại.
II. Chăm sóc bé bị viêm đường hô hấp tại nhà
1. Hạ sốt cho bé
Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi bé sốt từ 38 độ C trở lên (dưới 38 độ C chỉ cần cho bé uống nhiều nước và mặc quần áo thoáng). Thuốc hạ sốt chính đều là dạng paracetamol, liều dùng 10 – 15mg/1kg cân nặng. Nếu hạ sốt rồi mà bé vẫn sốt cao, nên cho bé tắm nước ấm (ướt cả đầu) để hạ nhiệt nhanh, tránh co giật do sốt cao.
2. Bé sổ mũi
Lau mũi cho bé bằng khăn mềm, khô. Giữ ấm cơ thể trẻ. Tại mùa hè, không cho trẻ mặc quần áo quá dày, tránh cho bé nằm ngay luồng quạt máy, gió máy lạnh phà ra… Nhiệt độ phòng nên để từ 25 độ C trở lên.
3. Bé nghẹt mũi
Dùng dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) nhỏ làm loãng mũi cho bé, sau đó hút sạch và ngoáy khô mũi bằng tăm bông khô, sạch.
4. Bé ho
Nguyên nhân có thể do tình trạng tăng tiết đờm nhớt, tăng xuất tiết do co thắt cơ các đường hô hấp. Tùy theo cơ chế gây ho mà các bác sỹ quyết định sử dụng thuốc giảm ho loại nào cho bé. Các mẹ nên cho bé uống nhiều nước và vỗ lưng cho con thường xuyên giúp loãng đờm, long đờm, giảm ho cho bé.
5. Bé nôn
Có thể do đờm đặc, do bệnh trở nặng, các mẹ phải cho con tái khám để xác định bệnh và điều trị.
6. Bé biếng ăn
Có nhiều nguyên nhân: ở giai đoạn ủ bệnh bé có tình trạng mệt mỏi, biếng ăn. Khi bị bệnh, biếng ăn xảy ra do bé đau họng, nghẹt mũi, do sử dụng kháng sinh dài ngày làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.
III. Chăm sóc dinh dưỡng
1. Chuẩn bị cho bé ăn
- Làm sạch mũi: hút sạch mũi, ngoáy khô bằng tăm bông.
- Thức ăn: nấu mềm, lỏng ( đảm bảo 4 nhóm thực phẩm giàu năng lượng: bột, đạm, béo, rau).
- Chuẩn bị khăn mềm lau cho bé khi ăn, không dùng khăn ướt và chạm vào mũi,… gây lạnh và chảy nước mũi liên tục.
- Thực phẩm ăn kiêng: đồ ăn, uống lạnh và các loại thực phẩm gây dị ứng cho bé.
2. Cho bé ăn
- Ăn thức ăn ấm.
- Khi bé biếng ăn: lượng thức ăn/bữa giảm bớt, tăng số bữa ăn/ngày. Tăng cường loại thức ăn bé yêu thích.
- Khi bé không muốn ăn nữa thì phải ngừng ngay, lúc cho bé ăn cần đút chậm hơn. Sau đó bổ sung các món ăn mà bé thích (sữa chua, các loại bánh,…).
3. Cho bé nhập viện
Khi bé có các triệu chứng thở nhanh, sốt cao liên tục từ 3 – 5 ngày, nôn trớ nhiều bé không ăn, uống được gì.
BS. Hoàng Ngọc Anh
-------
Phòng khám dinh dưỡng chất lượng cao
Địa chỉ: 2C Nguyễn Viết Xuân - Quang Trung - Hà Đông ( 70 Nguyễn Chí Thanh chuyển về )
Hotline: 0969 59 59 38
Email: phongkhamdinhduonghanoi@gmail.com
Website: htkhám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao
Địa chỉ: http://phongkhamdinhduong.vn