Trong suốt quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của bà mẹ là vô cùng quan trọng bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi. Bà mẹ khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng tốt, thai nhi hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng từ mẹ sẽ phát triển khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ trong suốt quá trình mang thai phải có chế độ dinh dưỡng hết sức khoa học và cụ thể theo từng giai đoạn.
1. Ba tháng đầu
1.1. Tháng thứ 1
Tháng mang thai đầu tiên các mẹ thường có cảm giác khó chịu (thậm chí nghén), chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn,… Vì thế, các bà bầu phải cố gắng ăn đủ 3 bữa, ngoài ra có thể bổ sung bánh quy, trái cây,… để tránh bị đói khi đi làm. Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu đạm (thịt, cá), thực phẩm chứa protein, sắt (phomat, trứng, rau, ngũ cốc). Ngoài ra, nên bổ sung vitamin B1, acid folic giúp cho sự phát triển não bộ, dây thần kinh của bào thai và tránh dị tật bẩm sinh đối với thai nhi.
1.2. Tháng thứ 2
Thai nhi đã bắt đầu hình thành, ngoài chế độ dinh dưỡng bình thường, các mẹ cần bổ sung chất bột đường, đạm, chất béo để cung cấp năng lượng cho bào thai.
1.3. Tháng thứ 3
Các mẹ cần tăng cường thêm các chất xơ, vitamin có trong rau, quả tươi. Khoảng 300g rau củ/ngày để phòng tránh chứng táo bón trong thai kỳ. Các mẹ cần sử dụng muối Iốt để cung cấp đủ Iốt trong quá trình tạo phôi và phát triển thai nhi, phòng tránh suy giáp bẩm sinh và bệnh đần độn, thiểu năng trí tuệ. Ăn các thực phẩm giàu kẽm (gan, hải sản,…), đạm (thịt, cá, trứng), thực phẩm giảu sắt (gan, huyết…). Đồng thời trong 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang thai nên uống thêm 2 ly sữa mỗi ngày (400-500ml) để cung cấp thêm dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi.
Các mẹ nên đến các bác sỹ để được tư vấn, hướng dẫn để thai thi phát triển tốt nhất.
2. Ba tháng giữa thai kỳ
Thời gian này thai nhi phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng cao nên chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cũng phải tăng gấp 2-3 lần bình thường. Thai nhi phải hấp thụ một lượng lớn canxi để cấu thành bộ xương, vì thế các mẹ dễ bị thiếu canxi gây đau răng, viêm lợi,… Do vậy, các mẹ bầu tăng cường ăn thực phẩm giàu canxi (tôm, tép, cua, sữa,…) để cung cấp đủ canxi cho thai nhi. Bổ sung sắt cho mẹ qua việc uống nhiều viên sắt/folic, cần ăn các loại thực phẩm giàu sắt như trứng gà, sữa, gan, thận, tim lợn, rau xanh,… Ngoài ra, các mẹ bầu nên bổ sung các loại vitamin A, B, C, D (theo chỉ dẫn của bác sỹ).
3. Ba tháng cuối thai kỳ
Giai đoạn này, thai nhi cần cung cấp đủ năng lượng để tăng nhanh trọng lượng cơ thể, hoàn chỉnh các cơ quan trong cơ thể như hệ tiêu hóa, hô hấp, hệ xương,… vì vậy, các mẹ bầu cần được cung cấp 2.500 kcal, phải duy trì tốt chế độ dinh dưỡng như các giai đoạn trước.
Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và vận chuyển dinh dưỡng trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các mẹ bầu bị mất nước do bài tiết, đổ mồ hôi nhiều. Do vậy, cần bổ sung 3 – 3,5 lit nước/ngày.
Ngoài ra, các mẹ bầu phải khám bác sỹ định kỳ để uống các viên sắt, vitamin tổng hợp cho thai kỳ và một số thuốc bổ sung khác theo hướng dẫn của bác sỹ.
Lưu ý: trong 3 tháng cuối thai kỳ, các mẹ bầu không nên:
- Không được ăn kiêng và thức ăn chưa chín kỹ.
- Không ăn mặn và thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Uống thuốc bổ vừa phải.
BS. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội