Trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp
Khi thời tiết giao mùa, trời se lạnh, không khí vào đường thở của trẻ không được sưởi ấm (do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn) nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp, dễ bị nhiễm virus, với các biểu hiện như: Hắt hơi, sổ mũi, ho, khò khè, nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới. Những trẻ có tiền căn dị ứng, khi bị cảm lạnh hay nhiễm siêu vi, sẽ dễ làm khởi phát cơn suyễn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bình thường, trung bình mỗi ngày Bệnh viện đón tiếp khoảng 80-100 trẻ đến khám. Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 250-300 trẻ đến khám, trong đó chủ yếu là trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa.
Cũng trong tình trạng tương tự, tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn Hà Nội, vào thời điểm này trẻ đến khám và điều trị cũng tăng đột biến. Hiện, mỗi ngày Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn, tiếp đón gần 200 trẻ đến khám, trong đó có tới 1/3 trẻ mắc các bệnh về hô hấp, đa số trẻ bị viêm phế quản. Số trẻ điều trị nội trú tại BV cũng tăng đáng kể, do đó có giường phải nằm ghép 2-3 bệnh nhân.
Bên cạnh nguyên nhân do trẻ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi thời tiết, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, số trẻ mắc bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa tăng đột biến trong thời điểm này còn do sai lầm của cha mẹ trong việc chăm sóc con như cho trẻ ăn mặc không đúng cách, để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không có sự chỉ dẫn của bác sỹ…
Theo các chuyên gia y tế, việc xác định trẻ có bị mắc các bệnh về hô hấp hay không rất quan trọng trong hướng điều trị. Cụ thể, đối với trường hợp trẻ chỉ có biểu hiện: Ho, chảy mũi, nhưng không thở nhanh, không co rút lõm lồng ngực, không co giật, không li bì, không bỏ bú... thì được nhận định là không viêm phổi. Các biện pháp điều trị là có thể sử dụng các loại thuốc ho an toàn sẵn có như: Húng chanh hấp mật ong... và dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ.
Đối với trường hợp nhiễm khuẩn ở mức độ vừa, nghĩa là trẻ có dấu hiệu thở nhanh nhưng chưa có các dấu hiệu nặng và biến chứng, biện pháp điều trị lúc này là sử dụng thuốc kháng sinh. Cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sỹ chỉ định thuốc theo tình trạng bệnh.
Trường hợp nặng, trẻ có các dấu hiệu như rút lõm lồng ngực, thở rít hay có các dấu hiệu nặng kèm theo như: Li bì, co giật, bỏ bú (đối với trẻ còn bú mẹ)... Khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế có đủ phương tiện tốt để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Để phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ trong thời điểm giao mùa, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần thực hiện các biện pháp như: Buổi tối khi đi ngủ nên quàng cho trẻ khăn mỏng kín cổ và ngực, không mở cửa sổ để tránh gió lùa, sáng sớm nên cho trẻ uống nước ấm.
Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi ngủ dậy, đồng thời phải thường xuyên vệ sinh răng, miệng và lưỡi cho trẻ.
Đề phòng bệnh tiêu chảy
Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, nhiều bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đề phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ trong thời điểm giao mùa. Cao trào của bệnh là trong khoảng tháng 10-11 hằng năm. Những nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy như: Trẻ trong độ tuổi 6 tháng-2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ không có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ có chế độ ăn không hợp vệ sinh (bú bình không đảm bảo vệ sinh, thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm…).
Bệnh tiêu chảy ở trẻ có các biểu hiện như: Sốt cao kèm sổ mũi, ho, rát họng, không ăn uống hoặc bỏ bú, khát nước, trong phân có máu… Bệnh nặng biểu hiện đại tiện dạng nước hoặc buồn nôn. Thời gian ủ bệnh thường từ 1-3 ngày.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy gồm: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời; cho ăn dặm đúng cách, hợp vệ sinh và đầy đủ các chất (đạm, béo, đường, hoa quả); sử dụng nước sạch; ăn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách; rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và cho trẻ ăn, hoặc sau khi trẻ đi nặng. Đặc biệt, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, đồng thời cho trẻ uống vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, để tăng sức đề kháng cho trẻ trong thời điểm giao mùa, cha mẹ cần có một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ thì khả năng sản xuất các chất miễn dịch trong cơ thể trẻ sẽ tốt hơn. Cụ thể, một bữa ăn của trẻ cần phải thực hiện ăn đa dạng các loại thực phẩm với khoảng 20 loại mỗi ngày, đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm như: Nhóm chất đạm gồm đậu đỗ, vừng lạc, trứng, sữa; nhóm rau xanh gồm rau có màu xanh thẫm và các loại củ quả khác và nhóm chất béo. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các vitamin thiết yếu cho trẻ như siro đa vitamin và khoáng chất…
Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo đủ nước cho trẻ mỗi ngày, ví dụ như trẻ dưới 1 tuổi cần khoảng 1 lít nước/ngày, những lứa tuổi sau (từ 10-20 kg) cứ tăng 1 kg thì tăng thêm 50 ml nước/ngày, sau 20 kg thì cứ tăng thêm 1 kg thì cần thêm 20 ml nước/ngày. Nước có thể dùng nước uống hằng ngày hoặc nước hoa quả tươi.
Thúy Hà - Baodientu