Huyết áp cao là một trong những bệnh phổ biến nhất. Khi mới mắc bệnh có thể bị đau đầu hoa mắt, chóng mặt hoặc chảy máu cam. Tuy vậy, dấu hiệu , triệu chứng thông thường đó không xuất hiện cho tới khi huyết áp đã tăng cao thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Huyết áp bình thường là 120/80mmHG. Huyết áp cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân: di truyền, do chế độ ăn uống có nhiều muối, không hoạt động, béo phì, sử dụng chất cồn quá mức, chế độ ăn thiểu kali…
I. Chế độ ăn
Lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đúng có thể giúp kiểm soát chứng cao huyết áp. Các chuyên gia dinh dưỡng có lời khuyên như sau:
1. Chế độ ăn giảm muối, giàu canxi và kali
Nhu cầu muối ăn của một người khoảng 15g/ 1 ngày, trong đó có tới 10g có sẵn trong thực phẩm tự nhiên vì vậy, chỉ cần bổ sung 5g muối ( 1 thìa cafe) /ngày là đủ. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp, thói quen ăn nhiều muối ở Việt Nam là nguyên nhân gây số bệnh nhân tăng huyết áp ở Việt Nam tăng cao. Ngoài việc muối (Nacl) gây hại cho sức khỏe, các loại muối khác có nguồn gốc sodium (natri) tồn tại trong các loại thức ăn, đồ uống công nghiệp như mì chính, sodium citrate…cũng có tác hại tương tự Nacl khi dùng nhiều. Các loại nước ngọt có ga, bia có hàm lượng natri còn cao hơn nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác.
2. Ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít béo.
Nên ăn 03 bữa/ngày, trong đó khoảng 50% là bột, rau xanh, hoa quả. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt. Ăn nhiều thức ăn có chất xơ hòa tan như đậu xanh quả, đậu hạt các loại…Hàng ngày nên ăn khoảng 55g-85g các chế phẩm từ sữa như phomai, sữa chua. Ăn chủ yếu cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ (bò, lợn), giảm ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng. Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vât…Tuân thủ chế độ ăn như trên có thể giúp giảm huyết áp tâm thu khoảng 8-14mm Hg
Nhiều nghiên cứu cho thấy chất xơ trong rau quả và các loại ngũ cốc thô như gạo lức, bắp lức, các loại đậu…có tác dụng chuyển hóa làm hạ huyết áp. Ăn nhiều rau quả giúp chế độ ăn có nhiều kali, ít natri là yếu tố quan trọng giúp ổn định huyết áp. Nhiều loại củ quả như khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành có lượng kali cao, đặc biệt là chuối ( tỷ lệ kali/natri: 396/1) có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp, chông đột quỵ.
II. Bỏ các thói quen xấu, có hại
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối liên quan chặt chẽ giữa rượu và huyết áp. Uống nhiều rượu sẽ gây tăng huyết áp, là nguyên nhân gây bệnh tim mạch và dẫn đến tử vong, đột quỵ. Giảm bia rượu, uống rượu ở mức độ vừa phải có thể làm giảm huyết áp từ 2-4mm Hg. Đối với phụ nữ, người nhẹ cân lượng rượu nên uống chỉ bằng một nữa nam giới.
Thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, ngừng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và các bệnh khác.
III. Tập luyện thể dục thể thao.
Cơ sở sinh lý của rèn luyện sức khỏe ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều hòa lượng Cholesterol trong máu, kìm chế quá trình xơ vữa động mạch, làm giảm và tăng tính đàn hồi của mạch máu trong các cơ hoạt động và giảm sức cản máu ngoại biên, kết quả là giảm huyết áp. Nên lưu ý rằng phải qua 2-3 tháng luyện tập thường xuyên huyết áp mới bắt đầu hạ xuống bởi vậy phải kiên trì trong luyện tập. Tùy theo tình trạng sức khỏe có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ…
Nguyên tắc tập luyện là thường xuyên , liên tục và nâng dần tốc độ, thời gian tập. Lưu ý, các bệnh nhân bị tăng huyết áp khi tập luyện phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
Khi có bểu hiện suy tim thì chấm dứt hoàn toàn với luyện tập, bệnh nhân chỉ đi dạo, hít thở không khí trong lành.
Tóm lại: Tập luyện thường xuyên với tần suất, cường độ hợp lý với các bài tập như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe, đạp lực kế… Là các bài tập cực kỳ hưu hiệu có tác dụng điều hòa huyết áp tốt và là phương pháp chưa có giá trị độc lập hoặc bổ sung cho phương pháp điều trị dùng thuốc.
BS. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội - 70 Nguyễn Chí Thanh