Rau và hoa quả là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Rau là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Nếu bữa ăn mà không có rau, hoa quả ta như cảm thấy bữa ăn đó không trọn vẹn, có cảm giác rất háo, “nóng ruột” …
Nhưng chẳng may những ai bị mắc bệnh suy thận, khi xét nghiệm máu thấy hàm lượng kali trong máu tăng cao, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên tùy theo từng trường hợp: nên giảm hoặc bỏ hẳn rau và hoa quả. Đây quả thực là một điều rất khó khăn đối với người bệnh bởi vì ăn uống đã phải kiêng khem, đến rau và hoa quả lại kiêng nốt, kết hợp nhiều người lại bị táo bón triền miên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Vậy thì trong bệnh cảnh đó tại sao lại phải kiêng rau quả? Có cách nào cho người bệnh có thể được ăn rau và hoa quả khi hàm lượng kali máu bị tăng?
Vậy thì trước tiên chúng ta cần biết Kali là gì?
Kali là một chất dinh dưỡng quan trọng được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm. Nhưng hàm lượng kali cao nhất lại có nhiều trong các trái cây, rau, các loại hạt, và sữa có hàm lượng kali cao nhất.
Tại sao lại cần một chế độ ăn thấp kali ?
Khi thận bị suy không thực hiện được chức năng của mình, cơ thể không đào thải được kali thừa qua nước tiểu. Nếu kali thừa tích tụ trong máu, nó có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng với tim. Khi chạy thận nhân tạo, cơ thể loại bỏ kali thừa với từng lần điều trị. Tuy nhiên, kali có thể dễ dàng đạt tới mức độ nguy hiểm giữa những lần điều trị nếu bạn ăn quá nhiều kali từ thức ăn.
Lời khuyên Kế hoạch bữa ăn
- Nên chọn trái cây và rau quả có lượng kali thấp nhất (xem danh mục hàm lượng kali trong một số thực phẩm ở bảng dưới).
- Hạn chế không ăn quá 2-3 lần trái cây và rau chứa nhiều kali.
- Hạn chế sữa , sữa chua chỉ 1 ly/mỗi ngày. Nên dùng loại sữa dành cho người suy thận có hàm lượng kali thấp/
- Tránh nước ép trái cây 100% và hoa quả khô. Nước trái cây như nước chanh và nước ép nam việt quất có ít kali.
- Đối với các loại rau và củ có hàm lượng kali cao chúng ta có thể xử lý làm giảm kali bằng cách: Ngâm khoai tây và các loại rau khác để làm giảm hàm lượng kali.
+ Gọt vỏ và cắt thành từng miếng mỏng.
+ Rửa sạch và ngâm các miếng rau trong nước ấm ít nhất 2 giờ (dùng 10 chén nước cho mỗi 1 chén rau).
+ Để ráo nước và rửa sạch rau dưới nước ấm.
+ Đun sôi rau trong 5 phút (dùng 5 chén nước cho mỗi 1 chén rau).
+ Dùng rau trên nấu súp, hầm, hoặc rán...
Lưu ý: Trong quá trình sử dụng cho người bệnh cần có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế và chuyên gia dinh dưỡng để chỉ định tùy theo từng trường hợp.
---------------------
HÀM LƯỢNG KALI TRONG MỘT SỐ THỰC PHẨM (trong 100g thực phẩm ăn được - đơn vị tính mg)
1. Đậu tương (đậu nành): 1504
2. Đậu xanh (đậu tắt): 1132
3. Sầu riêng: 601
4. Lá lốt: 598
5. Cùi dừa già : 555
6 . Cá ngừ : 518
7. Vừng (đen, trắng): 508
8 . Rau khoai lang: 498
9 . Măng chua : 486
10 . Cá thu: 486
11. Rau giền đỏ: 476
12. Rau ngót : 457
13 . Khoai sọ: 448
14. Gan lợn : 447
15. Xương sông : 424
16 . Lạc hạt : 421
17 . Rau đay: 417
18. Củ cái : 397
19. Cá chép: 397
20. Khoai tây: 396
21. Củ sắn: 394
22. Rau mồng tơi: 391
23. Rau bí : 390
24 . Bầu dục lợn: 309
25. Thịt bò loại1 : 378
26 .Tỏi ta: 373
27. Mít dai : 368
28 . Thìa là: 361
29 . Súp lơ: 349
30. Bí ngô: 349
Hàm lượng kali trong một số hoa quả (trong 100g thực phẩm ăn được - đơn vị tính mg)
1. Chuổi tiêu: 329
2 . Ổi : 291
3. Chuối tây: 286
4 . Na: 260
5. Nhãn: 257
6 . Đu đủ chín: 221
7 . Hồng ngâm : 217
8. Hồng đỏ: 214
9 . Dưa bở: 201
10 . Hồng xiêm : 193
11. Nho ngọt: 191
12 . Đào: 190
13. Dưa hấu: 187
14. Vải: 171
15. Bưởi : 159
16. Dứa ta: 157
17. Dứa tây : 115
18. Xoài chín: 114
19. Cam : 108
20. Táo tây: 102
21. Lê : 88