Định nghĩa: vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ.
I. Các loại vi chất dinh dưỡng
1. Nhóm Vitamin: A, B, C, D, E,…, tiền chất vitamin như Beta-carotene, Lycopen,…
2. Nhóm khoáng chất: canxi, photpho, kẽm, sắt, i-ốt, selen, đồng,…
3. Các acid béo: Omega-3, 6, 9,…
Toàn bộ các chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật (rất phong phú và đa dạng).
II. Vai trò của vi chất dinh dưỡng
Rất nhiều bậc cha mẹ do chưa hiểu đúng về vai trò, nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã bổ sung cho trẻ không đúng. Thiếu hay thừa vi chất đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Thông báo của viện dinh dưỡng quốc gia (2013) cho biết ở Việt Nam, trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng. Hơn 50% trẻ thiếu hụt vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn một số hiện tượng, triệu chứng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ để các mẹ tham khảo nhé.
1. Thiếu vitamin A
Vitamin A có vai trò quan trọng với trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ giác mạc, da, niêm mạc hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, đường hô hấp, khô giác mạc, mù lòa,… Hiện nay, bổ sung vitamin A theo dạng tiền chất Beta – carotene rất an toàn, không tích tụ gây độc. Các loại thực phẩm có nhiều vitamin A: thịt, gan, trứng gà, sữa, rua xanh, quả có màu đỏ, vàng (gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ,… có nhiều Beta-carotene).
2. Còi xương do thiếu canxi và vitamin D
Trong cơ thể, canxi có vị trí quan trọng, 98% canxi nằm ở xương, răng, vì vậy rất cần thiết cho phát triển của trẻ. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D, do vậy sẽ giảm hấp thụ canxin ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hoá xương (trẻ quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên, ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng, đầu to, răng mọc chậm, chậm biết đi, lồng ngực dô, biến dạng xương,…) làm giảm chiều cao của trẻ.
Thực phẩm giàu canxi: tôm, cá, cua, sữa, phomai, rau dền, mồng tơi,… Vitamin D có nhiều trong dầu cá, các biển, gan, trứng gà,…
3. Thiếu Omega-3, 6, 9
Gây kém phát triển trí não. Đây là các acid béo cần thiết giúp hình thành các nơron thần kinh, giúp cho quá trình hoạt động của não, cần thiết cho sự phát triển thần kinh và thị lực. Các acid béo này có nhiều trong dầu oliu, dầu cá, dầu vừng, tảo biển,…
4. Thiếu sắt
Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia quá trình vận chuyển oxy và hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, các bệnh nhiễm khuẩn cho trẻ.
5. Bướu cổ do thiếu I-ốt
Khi cơ thể thiếu I-ốt, tuyến giáp to lên gây bướu cổ. Trẻ thiếu i-ốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, thiểu năng, đần độn.
6. Suy dinh dưỡng thấp còi do thiếu kẽm
Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, miễn dịch. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng, hay mắc bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao.
Thực phẩm có nhiều kẽm: lòng đỏ trứng gà, sò, trai, hến, lươn, ốc, củ cải,…
III. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng
- Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, với nhu cầu rất nhỏ (tính bằng mcg, mg) nhưng nếu thiếu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (chủ động, an toàn): thông qua thực phẩm để bổ sung vitamin, khoáng chất trong từng bữa ăn.
- Trong các nhóm thực phẩm: nhóm chất béo rất quan trọng (dầu thực vật, dầu động vật). Khuyến khích các mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
- Chương trình quốc gia phòng chống thiếu vitamin A, bổ sung vitamin A cho trẻ 6 – 36 tháng tuổi (2 lần/năm), bổ sung vitamin A cho trẻ suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng,… Chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng cho phụ nữ có thai uống bổ sung sắt – acid folic trong suốt thai kỳ.
- Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các bà mẹ nên có kiến thức lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng như: dầu ăn bổ sung vi chất, bánh quy, nước mắm, đường bột ăn dặm, bổ sung vi chất,…
Ths. Đỗ Hữu Hanh, Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội