Bé biếng ăn là tình trạng rất phổ biến ở trẻ em trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia dinh dưỡng, 50 – 70% nguyên nhân bé lười ăn là do tâm lý căng thẳng, cha mẹ chưa biết cách cho con ăn. Để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ, các bậc phụ huynh đừng quá căng thẳng và không nên làm nghiêm trọng mọi chuyện. Chăm sóc sức khỏe cho bé bằng chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, áp dụng các “bí kíp” hiệu quả về tâm lý sẽ giúp bé dễ dàng vượt qua giai đoạn biếng ăn.
1. Những dấu hiệu cho thấy trẻ biếng ăn
- Thời gian cho mỗi bữa ăn lâu hơn bình thường. Bình thường mỗi bữa ăn của trẻ thường kéo dài từ 20 – 30 phút. Tuy nhiên với trẻ biếng ăn thì thời gian cho mỗi bữa ăn kéo dài hơn, thậm chí kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Thức ăn nếu không được ăn ngay sẽ dễ bị nguội, bớt ngon khiến trẻ đã chán ăn lại càng chán ăn hơn.
- Không hứng thú với các món ăn mới. Một số trẻ biếng ăn thường e ngại khi thử các món mới. Đối với các trường hợp này mẹ cần cho bé thử từng chút một các món ăn để bé làm quen. Tăng dần số lượng vào các lần sau chứ không nên ép bé ăn thật nhiều một món mà bé chưa quen thuộc.
- Cân nặng của trẻ nhẹ hơn so với chuẩn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhẹ cân hơn bình thường và biếng ăn là một trong số các nguyên nhân đó.
- Trẻ thường quấy khóc khi ăn uống. Trẻ tìm cách “phản đối” bữa ăn như ngậm chặt miệng, lè thức ăn ra ngoài, ngậm không chịu nhai, khóc, ho, nôn ói …
- Sau đây là những điều cha mẹ nên làm khi trẻ biếng ăn.
2. Cho bé tự xúc ăn
Ban đầu cha mẹ rất ngại việc cho trẻ tự xúc ăn vì sợ bé ăn chậm, làm đổ, vung vãi đồ ăn khắp nơi, bẩn quần áo,… thực tế, để trẻ tự xúc ăn sẽ tạo cho bé thói quen chủ động và tập trung vào món ăn, bé sẽ quên cảm giác biếng ăn và giúp bé ăn ngon miệng hơn.
3. Cùng chơi trò chơi ăn uống với bé
Trẻ nhỏ rất thích chơi kể cả lúc ăn, để tránh tình trạng biếng ăn vì ham chơi, các mẹ có thể cùng chơi với bé lúc ăn, tùy theo hoàn cảnh, thức ăn,… trong bữa ăn các mẹ hãy đặt tên cho các món ăn thật thú vị, hấp dẫn,… gây cảm giác vui thích và kích thích bé ăn nhiều hơn qua các trò chơi này.
4. Đa dạng món ăn
- Thay đổi món ăn, khẩu vị,… thường xuyên sẽ giúp bé tò mò, hào hứng khi đến bữa ăn. Hơn nữa, đa dạng món ăn giúp bé không bị thiếu chất và cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé.
- Tập cho bé ăn những món không thích theo từng bước. Mẹ vẫn cho bé ăn món ưa thích đồng thời xen vào đó món trẻ không thích, buổi đầu chỉ cho ăn một chút ít, nếu con muốn ăn nữa cũng dừng, lại không cho ăn để trẻ có cảm giác thèm, nhớ đừng để đến mức bé từ chối, khiếp sợ.
5. Hỗ trợ hệ tiêu hóa còn non yếu của bé
Hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của bé, tăng cường lượng vi khuẩn có lợi trong hệ đường ruột giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh, nhờ đó hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
6. Để trẻ bắt chước
Trẻ nhỏ rất thích bắt chước bố mẹ và người xung quanh. Những món ăn trẻ không thích, bố mẹ hãy ăn ngon lành, thích thú trước mặt trẻ. Khi có người lớn hoặc nhất là bé khác ăn món đó, các mẹ hãy khen ngợi trước mặt trẻ, tạo tâm lý cho bé muốn làm được như vậy, điều này sẽ khắc phục tình trạng biếng ăn ở bé.
Ths. Đỗ Hữu Hanh, Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội